Phường Bắc Hồng tuy mới được thành lập gần 30 năm, song những vùng quê như Bình Hồng, Bình Lãng lại là miền quê có bề dày về lịch sử và giàu truyền thống văn hoá, nơi đây còn lưu giữ được các di tích đền, chùa mà cha ông để lại; có thể kể đến đó là chùa Bình Hồng, hay Đền Bình Lãng.

    Đền Bình Lãng nằm bên bờ khe Bình Lãng, thuộc Tổ dân phố 5, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Đền không rõ được khởi dựng từ năm nào, nhưng theo các bậc cao niên cho biết, từ thế kỷ XVIII đền đã uy nghi tồn tại ở nơi đây. Trải qua sự tàn phá của thiên nhiên, qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược cũng như ý thức của con người, Đền đã bị phế tích hoàn toàn, chỉ còn sót lại viết tích của nền móng cũ. Đến những năm đầu thập niên của thế kỷ XXI, Nhân dân trong vùng đã lập nên cái miếu nhỏ để hương khói phụng thờ theo lệ cũ.

    Tương truyền Đền được Nhân dân trong vùng lập nên để phụng thờ Thượng Thượng Thượng Đẳng phúc thần Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Tuy không được chính sử ghi chép nhiều, nhưng Ngài là hiện thân của những truyền thuyết gắn liền với vùng đất Hoan Châu (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).

    Nhiều truyền thuyết và dã sử cho rằng: Lý Nhật Quang là con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ, là một nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp lớn lao cho vùng đất Hoan Châu nói riêng và cả nước nói chung.  Ngài là một người với tư chất mẫn tiệp, văn võ song toàn, thông minh và đức độ, lại xuất thân từ dõng dõi hoàng nên Lý Nhật Quang có đủ các điều kiện từ thiên bẩm đến môi trường giáo dục để trở thành một con người đảm đương sứ mệnh “cứu nước, cứu dân”.

    Từ năm 1039 đến năm 1055, tên tuổi của Lý Nhật Quang đã đi vào lịch sử, tâm thức Nhân dân về hình ảnh một vị anh hùng, một vị dũng tướng đầy oanh liệt trên chiến trận và một vị Tri châu luôn quan tâm đến đời sống, cái ăn cái mặc của Nhân dân. Sau khi mất (1055), tên tuổi của ông lại càng đi vào lịch sử, huyền sử đầy sắc màu thần thánh của những vùng đất này: Là một vị thần, một vị thành hoàng, một đại phúc thần của cả Châu. Cuộc đời, sự nghiệp của Lý Nhật Quang trở thành một nhân vật bất tử “Sinh vi tướng, tử vi thần” hay “Sinh thời đỡ lệch cứu suy/ Quy tiên hiển thánh giải nguy hộ đời”

    Sinh thời Ông rất quan tâm đến đời sống của Nhân dân và chăm lo phát triển kinh tế cho họ. Là một vị Tri châu vừa có tài mà lại vừa có tâm. Bằng đường lối chính trị vương đạo, thân dân, biết khoan thư sức dân, đề ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho dân, biết quan tâm vỗ về họ, đó là cội rễ để Lý Nhật Quang sớm đi vào lòng dân xứ Nghệ.

    Về nông nghiệp: Ông chủ trương cho khai hoang lập ấp với quy mô lớn, đắp đê sông Lam, đào sông Đa Cái. Ông còn dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa…

    Về thủ công nghiệp: Ông hướng phát triển các nghề thủ công nghiệp để vừa phục vụ cho đời sống vừa phục vụ cho quốc phòng như: khai mỏ, luyện kim, nghề rèn, nghề mộc và đóng thuyền…

    Về thương nghiệp: (Thời đó ít người nghĩ đến), chính ông đã cho mở nhiều chợ búa, bến sông, cửa biển. Hai loại tiền đồng là “Càn Phù Nguyên Bảo” và “Minh Đạo Thông Bảo” đúc thời đó đã được dùng rộng rãi khắp châu phục vụ cho hoạt động thương nghiệp (bằng chứng tìm thấy tiền đồng rất nhiều nơi bởi nhà nghiên cứu tiền đồng cổ Đào Tam Tỉnh).

    Về quân sự – quốc phòng: Bên cạnh là một vị quan giữ chức thu thuế rồi trở thành một vị quan Tri châu Nghệ An, có năng lực và được lòng dân ái mộ, thì Lý Nhật Quang còn là một vị tướng tài ba trên chiến trận đầy khói lửa đao binh. Ông xứng đáng là một nhân vật có tài về quân sự và chính trị. Ông đã biết vận dụng, kết  hợp chặt chẽ bộ ba giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và đấu tranh ngoại giao (chiêu dụ giặc Lão Qua (Lào) đầu hàng và thu phục họ về phía mình).

    Thời đó, biên giới phía Nam nước Đại Việt mới chỉ đến Đèo Ngang. Để mở mang bờ cõi quốc gia, ông đã dùng ấn tín phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 châu, 22 trại, 56 sách” làm cho bờ cõi phía Nam được yên ổn.

    Về văn hóa: Vào thời Lý, phật giáo rất thịnh hành và được coi là “quốc đạo”. Từ nhà vua cho đến các quan lại, các thái tử đều là Phật tử. Họ được nuôi dạy, trưởng thành trong môi trường giáo dục, văn hóa Phật giáo. Bởi vậy, bản thân Lý Nhật Quang cũng là một Phật tử.

    Về giáo dục: Song song với việc chăm lo phát triển văn hóa tinh thần, Lý Nhật Quang còn chủ trương cho xây dựng nhiều trường học. Chính vì vậy, dưới thời ông trị nhậm có rất nhiều người thành danh, đỗ đạt cao.

    Về  vị thế, tầm ảnh hưởng của Lý Nhật Quang trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân qua nhiều thời đại:

    Nếu như khi còn sống, tên tuổi, công lao và những đóng góp của Lý Nhật Quang được gắn với toàn châu Nghệ An và một số địa phương khác thì khi ông mất, theo Thống kê sơ bộ thì từ Thanh Hóa vào Nghệ An và Hà Tĩnh đã có trên 50 ngôi đền được dựng lên đặt hiệu bụt thờ Ngài. Đặc biệt, có những đền cùng thờ nhiều vị thần nhưng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được chọn làm vị thần chủ của Đền. Riêng với đền Quả Sơn (là một trong 4 ngôi đền lớn nhát của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng) là nơi đặt ngai vị, di tượng thờ tự Ngài, được nhân dân trong vùng, khách thập phương về hành hương đủ các ngày, các dịp lễ trong năm. Ngoài ra còn phải kể đến đó là đền Tam Tòa ở cửa biển Thị Nại, huyện Tuy phước, tỉnh Bình Định là một trong số ngôi đền cổ có niên đại tương đương với đền Quả Sơn, được nhân dân nơi đây dựng lên sau khi Lý Nhật Quang mất nhằm tưởng tôn uy danh của Ngài.

    Có thể nói, số liệu thống kê sơ bộ trên cho thấy: “Đây là một hiện tượng thờ cúng rất đáng chú ‎ý, trong các bậc đế vương hay trong hàng các danh tướng lương thần của triều đình (xưa tới nay) cũng đã mấy ai được như thế?”. Điều đó chứng tỏ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của những địa phương trên cũng như đối với nhân dân cả nước.

    Hàng năm, cứ vào ngày 16 tháng Chạp âm lịch, Nhân dân trong vùng lại tổ chức Lễ húy kỵ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại Đền.

    Hiện nay, Đền Bình Lãng vừa được trùng tu, tôn tạo lại, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng và tỏ lòng biết ơn của Nhân dân đối với vị thần chủ được thờ tại Đền. Trong thời gian tới, thị xã Hồng Lĩnh cùng với phường Bắc Hồng sẽ lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, để nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ tâm linh giữa lòng đô thị Hồng Lĩnh./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG BẮC HỒNG
    Bản đồ phường Bắc Hồng
     Liên kết website
    Thống kê: 461.472
    Online: 14