(Baohatinh.vn) - Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh hiệu quả, người dân phải khai báo y tế một cách trung thực, nếu không, sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý tương ứng.

PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Văn phòng Luật sư An Phát (TP Hà Tĩnh).

Luật sư cho biết, sự cần thiết của việc khai báo y tế trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay?

- Khai báo y tế là việc người dân cung cấp thông tin y tế cá nhân, nhất là những thông tin về lịch sử nơi đi, nơi ở và nơi đến nhằm mục đích kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, khi khai báo y tế người bệnh sẽ kê khai các thông tin cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ của mình trong vòng 14 ngày qua.

Các thông tin về sức khỏe liên quan đến Covid-19 gồm các triệu chứng về hô hấp: ho, sốt, đau rát họng, khó thở, tức ngực... Các thông tin về dịch tễ gồm sự đi, đến hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19, tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gián tiếp với người tiếp xúc gần, sử dụng các phương tiện công cộng (máy bay, tàu, xe) nhưng không đeo khẩu trang.

Căn cứ các thông tin được cập nhật, cơ quan y tế sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe, lịch trình đi lại, di chuyển của mỗi cá nhân để theo dõi, hỗ trợ trong tình huống cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và hỗ trợ người bệnh các biện pháp y tế phù hợp.

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều cách để có thể thực hiện việc khai báo y tế như: Khai báo trực tiếp tại trạm y tế phường, xã hoặc khai báo thông qua các ứng dụng: Vietnam Health Declaration, Bluezone NCOVI, trên trang http://tokhaiyte.vn.

Người dân khai báo y tế nhằm mục đích kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

Vì nhiều lý do khác nhau, có thể một số người khai báo y tế không trung thực. Vậy, hậu quả pháp lý mà người thực hiện hành vi đó phải chịu là thế nào, thưa luật sư?

- Theo Điều 8, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng chính phủ thì dịch bệnh Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì khai báo y tế không trung thực là người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bênh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định này thì người khai báo không trung thực sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Công văn số: 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 thì, đối với người có hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối nếu trước đó người này đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” và bị sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi khai báo y tế không trung thực bị phạt mức thấp nhất là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Xin cảm ơn luật sư!

 

Nguồn: Báo Hà Tĩnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG BẮC HỒNG
    Bản đồ phường Bắc Hồng
     Liên kết website
    Thống kê: 381.532
    Online: 12