Một số chính sách pháp luật nổi bật có hiệu lực thi hành trong tháng 3.2024

 

Trong tháng 3.2024, có các Nghị định và một loạt các thông tư do các bộ, ngành ban hành chính thức có hiệu lực. Xin giới thiệu nội dung tóm tắt của một số văn bản nổi bật liên quan đến kinh tế - xã hội, như sau:

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN

Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/1/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2024.

Nghị định nêu rõ, công trình được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triên điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;  Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; Công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.

Quy định mới về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Nghị định này được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều khoản của Luật Thanh tra năm 2022, như: Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... Nghị định này gồm 5 chương, 46 điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, công ty nông, lâm nghiệp

Nghị định số 04/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Nghị định 04/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung "Điều 6. Chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên". Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2024.

Nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao

Theo Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 25/3, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao; cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao; chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao...

Các dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, về cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Nghị định quy định Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, bao gồm: đầu tư xây dựng và kinh doanh toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao, hoặc một phần hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao.

Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3.

 

Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng/vé/chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt

Ngày 26-1-2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Theo Thông tư, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Cụ thể, kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng; kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng.

Kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị, thiết bị tín hiệu đuôi tàu.

Chu kỳ kiểm tra định kỳ được quy định rõ theo loại phương tiện, thời gian khai thác. Đơn cử, với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, chu kỳ kiểm tra đầu của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 28 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 36 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt quốc gia dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 14 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng.

Phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, thì chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe khách là 12 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt đô thị dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 14 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng. Với phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 12 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Thông tư cũng quy định: Chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2024.

Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTC ngày 5-2-2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Thông tư nêu rõ, người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Người nộp phí là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Tổ chức thu lệ phí là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động thăm dò: Diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha, mức thu là 4 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò từ 100 ha đến 50.000 ha, mức thu là 10 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò trên 50.000 ha, mức thu là 15 triệu đồng/1 giấy phép.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động khai thác: Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối: có công suất khai thác dưới 5.000 m3/năm: 1 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác từ 5.000 m3 đến 10.000 m3/năm: 10 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác trên 10.000 m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép.

Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm: 80 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại: 100 triệu đồng/giấy phép.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21-3-2024.

Thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản

Ngày 5-2-2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản.

Theo Thông tư, tổ chức thu phí là các cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả tài liệu địa chất, khoáng sản từ cơ quan cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tổ chức thu phí được trích để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 40% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21-3-2024.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước

Ngày 25/12/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 19/2023/TT-BTTTT hướng dẫn Quyết định 08/2023/QĐ-TTg về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Mô hình kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước

Cơ quan Đảng, Nhà nước phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương thực hiện kết nối liên thông các cấp hành chính theo các mô hình sau:

(1) Mô hình kết nối tổng quan

+ Hướng dẫn kết nối mạng trục, mạng truy nhập cấp I và mạng truy nhập cấp II;

+ Cục Bưu điện Trung ương triển khai kết nối mạng trục, mạng truy nhập cấp I tối thiểu bằng 02 (hai) kênh truyền cáp quang theo 02 (hai) hướng vật lý khác nhau; thiết lập mạng riêng ảo trên cổng kết nối để kết nối các hệ thống thông tin với nhau;

+ Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai kết nối mạng truy nhập cấp H, kết nối hệ thống thông tin quốc gia do bộ, ban, ngành, địa phương quản lý đến Mạng truyền số liệu chuyên dùng bằng kênh truyền tự xây dựng hoặc thuê dịch vụ kênh riêng trực tiếp hoặc kênh riêng ảo của doanh nghiệp viễn thông; phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương thiết lập điểm tập trung lưu lượng tại cổng kết nối để kết nối các đối tượng sử dụng của mạng truy nhập cấp II;

+ Mạng truyền số liệu chuyên dùng là hạ tầng truyền dẫn trong kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số;

+ Kênh truyền phải bảo đảm mức chiếm dụng băng thông của các hướng kết nối < 90%, căn cứ kết quả giám sát lưu lượng tất cả các hướng kết nói từ 00giờ00 đến 24giờ00 hàng ngày trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng liên tiếp, thời gian mỗi mẫu giám sát là 05 (năm) phút;

+ Mô hình kết nối tổng quan thể hiện bằng sơ đồ tại Mô hình 01 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 19/2023/TT-BTTTT.

(2) Mô hình kết nối trung tâm dữ liệu đặt tại bộ, ban, ngành, địa phương với Mạng truyền số liệu chuyên dùng:

+ Áp dụng cho trung tâm dữ liệu do bộ, ban, ngành, địa phương tự đầu tư và đặt thiết bị tại trụ sở bộ, ban, ngành, địa phương;

+ Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai tối thiểu 02 (hai) kênh truyền cáp quang theo 02 (hai) hướng vật lý khác nhau kết nối từ thiết bị định tuyến của trung tâm dữ liệu đến cổng kết nối;

+ Kênh truyền phải bảo đảm mức chiếm dụng băng thông của các hướng kết nối < 90%, căn cứ kết quả giám sát lưu lượng tất cả các hướng kết nối từ 00giờ00 đến 24giờ00 hàng ngày trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng liên tiếp, thời gian mỗi mẫu giám sát là 05 (năm) phút;

+ Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với bộ, ban, ngành, địa phương thiết lập chính sách kết nói trên cổng kết nối và thiết bị định tuyến tại trung tâm dữ liệu;

+ Mô hình kết nối trung tâm dữ liệu đặt tại bộ, ban, ngành, địa phương với Mạng truyền số liệu chuyên dùng thể hiện bằng sơ đồ tại Mô hình 02 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 19/2023/TT-BTTTT.

(3) Mô hình kết nối trung tâm dữ liệu đặt tại doanh nghiệp viễn thông với Mạng truyền số liệu chuyên dùng:

+ Áp dụng cho trung tâm dữ liệu do bộ, ban, ngành, địa phương tự đầu tư, thuê đặt thiết bị tại doanh nghiệp viễn thông hoặc do bộ, ban, ngành, địa phương thuê thiết bị và đặt tại doanh nghiệp viễn thông;

+ Doanh nghiệp viễn thông triển khai tối thiểu 02 (hai) kênh truyền cáp quang theo 02 (hai) hướng vật lý khác nhau kết nối từ thiết bị định tuyến tại phân vùng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông đến cổng kết nối;

+ Kênh truyền phải bảo đảm mức chiếm dụng băng thông của các hướng kết nối < 90%, căn cứ kết quả giám sát lưu lượng tất cả các hướng kết nối từ 00giờ00 đến 24giờ00 hàng ngày trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng liên tiếp, thời gian mỗi mẫu giám sát là 05 (năm) phút;

+ Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với doanh nghiệp viễn thông thiết lập chính sách kết nối trên cổng kết nối và thiết bị định tuyến tại phân vùng trung tâm dữ liệu;

+ Mô hình kết nối trung tâm dữ liệu đặt tại doanh nghiệp viễn thông với Mạng truyền số liệu chuyên dùng thể hiện bằng sơ đồ tại Mô hình 03 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 19/2023/TT-BTTTT.

(4) Mô hình kết nối các cơ quan, tổ chức tại địa phương với Mạng truyền số liệu chuyên dùng:

+ Áp dụng cho địa phương triển khai mạng diện rộng kết hợp Mạng truyền số liệu chuyên dùng đề kết nối các cơ quan, tổ chức trên địa bàn;

+ Kết nối các cơ quan, tổ chức là đối tượng sử dụng của mạng truy nhập cấp I và mạng truy nhập cấp II theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 19/2023/TT-BTTTT;

+ Địa phương thiết lập phân vùng mạng kết nối các đơn vị không thuộc đối tượng sử dụng với Mạng truyền số liệu chuyên dùng qua trung tâm dữ liệu của mình; sử dụng địa chỉ IP cho phân vùng mạng này không trùng với địa chỉ IP của Mạng truyền số liệu chuyên dùng;

+ Trung tâm dữ liệu của địa phương là điểm trung chuyển lưu lượng giữa mạng truy nhập cấp I, mạng truy nhập cấp II và phân vùng mạng kết nối các đơn vị không thuộc đối tượng sử dụng;

+ Kênh truyền phải bảo đảm mức chiếm dụng băng thông của các hướng kết nối < 90%, căn cứ kết quả giám sát lưu lượng tất cả các hướng kết nối từ 00giờ00 đến 24giờ00 hàng ngày trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng liên tiếp, thời gian mỗi mẫu giám sát là 05 (năm) phút;

+ Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với địa phương thiết lập các chính sách định tuyến giữa 02 (hai) mạng qua cổng kết nối và thiết bị định tuyến tại trung tâm dữ liệu;

+ Mô hình kết nối các cơ quan, tổ chức tại địa phương với Mạng truyền số liệu chuyên dùng thể hiện bằng sơ đồ tại Mô hình 04 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 19/2023/TT-BTTTT.

(5) Mô hình kết nối mạng viễn thông khác với Mạng truyền số liệu chuyên dùng:

+ Chủ quản mạng viễn thông khác thiết lập và sử dụng kênh kết nối bằng cáp quang hoặc thuê dịch vụ kênh riêng trực tiếp hoặc kênh riêng ảo của doanh nghiệp viễn thông để kết nối từ mạng viễn thông khác vào cổng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng;

+ Kênh truyền phải bảo đảm mức chiếm dụng băng thông của các hướng kết nối < 90%, căn cứ kết quả giám sát lưu lượng tất cả các hướng kết nối từ 00giờ00 đến 24giờ00 hàng ngày trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng liên tiếp, thời gian mỗi mẫu giám sát là 05 (năm) phút;

+ Cục Bưu điện Trung ương và đơn vị chủ quản mạng viễn thông khác phối hợp thiết lập các chính sách định tuyến giữa 02 (hai) mạng thông qua cổng kết nối và thiết bị chuyên đổi địa chỉ IP của mạng viễn thông khác;

+ Mô hình kết nối mạng viễn thông khác với Mạng truyền số liệu chuyên dùng thể hiện bằng sơ đồ tại Mô hình 05 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 19/2023/TT-BTTTT.

Thông tư 19/2023/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 01/03/2024 và thay thế Thông tư 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017, Thông tư 12/2019/TT-BTTTT ngày 05/11/2019.

Quy định về quản lý đường bộ qua biên giới

Ngày 13 tháng 12 năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BGTVT về quản lý hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới.

Thông tư này quy định về phương tiện vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, danh sách cửa khẩu và tuyến đường vận tải thực hiện hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hiệp định đa phương ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và Campuchia - Lào - Việt Nam, khuôn khổ hiệp định song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Thông tư số 37/2023/TT-BGTVT áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải bằng đường bộ qua biên giới giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hiệp định đa phương ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và Campuchia - Lào - Việt Nam, khuôn khổ hiệp định song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

* Đối với hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hiệp định tạo thuận lợi vận tải ASEAN

Thông tư quy định, phương tiện vận tải qua lại biên giới phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm: 

- Giấy chứng nhận đăng ký xe; 

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; 

- Giấy phép liên vận ASEAN; Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN (bản sao có chứng thực hoặc công chứng); 

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba; 

- Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập; 

- Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách theo tuyến cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục IV hoặc Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách hợp đồng và vận tải khách du lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này hoặc Phiếu gửi hàng đối với phương tiện vận tải hàng hóa; 

- Chứng từ quá cảnh hải quan cho hàng hóa đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh.

Cũng theo Thông tư, lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu, bao gồm:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực);

- Giấy phép lái xe nội địa được các Bên công nhận theo Hiệp định về công nhận giấy phép lái xe nội địa được ký kết bởi các nước thành viên ASEAN tại Kua-la Lăm-pơ vào ngày 09 tháng 7 năm 1985.

Nhân viên phục vụ trên xe qua lại biên giới phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực) còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.

* Đối với hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hiệp định GMS

Phương tiện vận tải qua lại biên giới phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
- Giấy phép liên vận GMS và sổ theo dõi tạm nhập phương tiện vận tải (sau đây gọi là sổ TAD);

- Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách tuyến cố định theo mẫu tại Phụ lục IV hoặc Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách hợp đồng và vận tải khách du lịch theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này hoặc Phiếu gửi hàng đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba;

- Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập.

Lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu như sau:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực);

- Giấy phép lái xe, đã được các Bên công nhận tại Hiệp định GMS. Tại thời điểm nhập cảnh vào Nước chủ nhà, giấy phép lái xe phải còn thời hạn ít nhất là hai tháng.

Nhân viên phục vụ trên xe qua lại biên giới phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực) còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG BẮC HỒNG
    Bản đồ phường Bắc Hồng
     Liên kết website
    Thống kê: 358.200
    Online: 2