Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2024

Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Từ 1/1/2024, giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 như sau:

Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí

Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

Từ ngày 15/1/2024, thực hiện quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:

Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).

Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên.

Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận, Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện. Trường hợp lựa chọn đại lý phân phối, việc lựa chọn và ký hợp đồng với đại lý phân phối thực hiện theo quy định: Điều kiện làm đại lý phân phối và quy trình lựa chọn đại lý phân phối.

Quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Có hiệu lực từ 30/1/2024, Nghị định 86/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu".

Trong đó, về khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Nghị định nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:

1- Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

- Các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định.

- Bảo đảm thực hiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy.

- Bảo đảm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường.

2- Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương:

- Tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương.

- Tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo; đền ơn đáp nghĩa; khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình học tập.

- Tham gia sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú.

- Tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội do địa phương tổ chức.

- Người trong độ tuổi có khả năng lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng.

- Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.

3- Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng:

- Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

- Thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình.

- Thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới.

- Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự hợp vệ sinh.

- Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.

Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 01 năm kể từ ngày cấp

Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 17 xác nhận thông tin về cư trú của Thông tư số 55/2021/TT-BCA.

Theo đó, công dân có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú bằng hình thức yêu cầu trực tiếp tại trụ sở cơ quan đăng ký cư trú hoặc yêu cầu qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID hoặc dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm thông tin về nơi cư trú hiện tại, các nơi cư trú trước đây, thời gian sinh sống tại từng nơi cư trú, hình thức đăng ký cư trú và các thông tin về cư trú khác đang có trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 01 năm kể từ ngày cấp. (Trước đó, giấy xác nhận thông tin về cư trú do cơ quan công an xã, phường cấp có giá trị trong 30 ngày).

Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2024.

Từ 1/1/2024, thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Thông tư số 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng ngày 06/12/2023, quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện.

Nội dung khám sức khỏe:

+ Khám về thị lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai, mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ).

+ Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HIV; nước tiểu toàn bộ (10 thông số; siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung nêu trên theo 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy.

Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định thì ủy viên Hội đồng trực tiếp tham khảo báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám.

Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X quang tim phổi thẳng.

Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín

Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó Quyết định sửa đổi điểm a, b, c khoản 2 Điều 5 như sau:

Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần/năm;

Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương;

Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm.

Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024.

 

7 thay đổi về chính sách BHXH, BHYT năm 2024 mọi người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi của mình.

Tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu

Căn cứ theo lộ trình tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường năm 2024 là 61 tuổi với lao động nam và với nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Năm 2023, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường với NLĐ nam là 60 tuổi 9 tháng, với lao động nữ là 56 tuổi.

Tuổi nghỉ hưu năm 2024 tăng lên so với năm 2023. Do đó, điều kiện hưởng lương hưu năm 2024 của người lao động cũng thay đổi.

Căn cứ quy định tại Điều 54 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người lao động tham gia BHXH bắt buộc trong điều kiện lao động bình thường được hưởng lương hưu nếu thuộc các trường hợp quy định và đáp ứng một trong những điều kiện về tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể là lao động nam là đủ 61 tuổi và độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 56 tuổi 4 tháng.

Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đồng thời thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đồng nghĩa lương hưu,trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng... cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 01/7/2024.

Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu

Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.

Từ 01/7/2024, bãi bỏ lương cơ sở sẽ có văn bản quy định hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất ở thời điểm này.

Điều chỉnh trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở.

Ví dụ như trợ cấp 1 lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng.

Khi thực hiện cải cách tiền lương dẫn đến không còn hệ số lương và mức lương cơ sở. Theo đó, các khoản trợ cấp BHXH nêu trên cũng sẽ thay đổi. Căn cứ theo Nghị quyết 104/2024 các khoản trợ cấp này từ 01/7/2024 sẽ được tăng.

Hiện Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng với mức cao nhất hiện nay và quy định bằng số tiền cụ thể.

Theo đó, Trợ cấp dưỡng sức sau sinh, ốm đau: 540.000 đồng/ngày, Trợ cấp 1 lần khi sinh con: 3,6 triệu đồng/con…

Thay đổi hệ số trượt giá BHXH 2024

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ công bố một hệ số trượt giá BHXH (mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng BHXH) cho năm sau vào thời điểm cuối năm.

Hiện hệ số trượt giá BHXH thực hiện theo Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH áp dụng cho các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Thời điểm này chưa có thông tin về hệ số trượt giá BHXH của năm 2024 nhưng nếu hệ số này tăng so với năm 2023 kéo theo mức hưởng BHXH 1 lần, lương hưu hằng tháng, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu hay trợ cấp tuất 1 lần cũng sẽ tăng.

Thay đổi mức đóng BHYT

Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình theo tháng như sau:

- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với học sinh, sinh viên mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên tự đóng 70%).

Từ ngày 01/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương, sẽ bỏ mức lương cơ sở. Có thể từ thời điểm này sẽ có hướng dẫn mới về mức đóng cũng như mức hưởng bảo hiểm y tế hộ gia đình, học sinh - sinh viên.

Thay đổi chi phí khám chữa bệnh 1 lần được chi trả 100%

Hiện nay, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 270.000 đồng) thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí.

Từ 01/7/2024 bãi bỏ lương cơ sở thì chi phí này cũng sẽ có sự thay đổi và hướng dẫn cụ thể.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG BẮC HỒNG
    Bản đồ phường Bắc Hồng
     Liên kết website
    Thống kê: 213.404
    Online: 4